Khởi nghĩa và lên ngôi Lê Tương Dực

Lê Uy Mục giết hại tông thất, bắt giam Giản Tu công Lê Oanh. Lê Oanh muốn chạy thoát ra ngoài, mới đem của cải đút lót với người cai ngục. Người cai ngục được tiền, liền thả cho ông chạy thoát. Lê Oanh một mình chạy trốn vào thành Tây Đô mà không kịp báo tin cho mẹ, anh em mình. Đến khi chạy đến được cửa biển Thần Phù, Lê Oanh được đại thần thất sủng là Nguyễn Văn Lang ra đón rước, rồi được tôn lên là minh chủ. Ông cùng Nguyễn Văn Lang và những người khác như Nguyễn Diễn, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm, Nguyễn Bá Tuấn, Lê Tung, Nguyễn Thì Ung lấy binh khởi nghĩa chống lại Uy Mục.[2]

Để chiêu dụ các đại thần và các quan, Lê Oanh sai Lương Đắc Bằng viết hịch rằng:[3]

Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khóe. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính. Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác ngạo mạn quá cả Ngụy Oanh. Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng.

— Hịch

Ngày 8 tháng 11 năm 1509, Giản Tu công Lê Oanh khởi binh tiến quân thủy bộ từ thành Tây Đô. Thủy quân tiến đến núi Thiên Kiện. Uy Mục đế dùng hai chiếc thuyền nhẹ Hà ThanhHải Thanh đi đến chùa Bảo trên núi Thiên Kiện, bắt được một viên tướng thủy quân của Giản Tu công và giết được 20 binh sĩ đem xác về ngoài cửa Đông Hoa. Uy Mục cho Lê Vũ làm Tán lý cũng nhiều người khác đem cấm quân và quan quân thuộc các vệ Thần vũ, Hiệu lực, Điện tiền đi chống giữ nhưng bị Lê Oanh đánh bại.

Ngày 23 cùng năm, anh em trai của ông là Cẩm Giang Vương Lê Sùng (黎漴), Tĩnh Lượng công Lê Vinh (黎濴) và Lê Quyên (黎娟) cùng Trịnh Phu nhân, Phò mã Nguyễn Kính (阮敬) đều bị Uy Mục giết. Tuy vậy, quân của ông vẫn dùng cờ chiêu an của Cẩm Giang vương (錦江王) để dụ Lê Vũ về hàng. Lê Vũ mới đem đầu Cẩm Giang vương ra trước trận, giơ lên cho xem và nói:[4]

Đây là cái đầu của Cẩm Giang vương, chúng bay còn nói láo làm gì?

Nói rồi, Vũ mới cưỡi voi chỉ huy binh sĩ tiến đánh đến xứ Đồng Lạc thì bị quân của Lê Oanh bao vây. Lê Oanh dụ hàng nhưng Lê Vũ vẫn một mực không chịu khuất phục rồi chết. Trận này, quân của Uy Mục đại bại, các tướng như Dương Trực Nguyên, Phạm Thịnh, Trần Năng cũng bị chết ở Châu Cầu.[5]

Ngày 26 năm ấy, các dinh quân của Lê Oanh đều tiến đến các xứ Bảo Đà, Nhân Mục, Hồng Mia, Thiêu Thân ở sát Kinh thành. Uy Mục đế vì cần thêm quân để chống giữ mới lấy vàng bạc tiền của ban cho bọn tội nhân bị giam ở ty Ngũ hình mỗi người 3 quan, rồi sai đi đánh quân Lê Oanh. Tù nhân nhận được tiền, không những không đi đánh mà người nào người nấy đều bỏ về nhà. Uy Mục đế sợ hãi lại vội vã chọn người đi gọi quân các xứ. Những người này đi chưa đến nơi, thì đại quân của Lê Oanh đã áp sát vào thành, nhiều người bỏ chạy thoát thân.

Tướng trấn thủ là Lê Quảng Độ (黎廣度) cùng với Giản Tu công Lê Oanh người trong kẻ ngoài thông tin với nhau, lại cho bắn súng làm hiệu, dựng gậy làm cờ, chặt cây làm binh khí giả đánh lộn lẫn nhau cho các quân kinh hãi, rồi mới ép Uy Mục chạy lên phía Bắc. Giản Tu công Lê Oanh sau khi đem quân vào thành Đông Kinh nghe tin gia quyến đều bị hại, liền sai quan sửa việc tang và làm lễ chôn cất.[4]

Ngày 28 năm ấy, Uy Mục chạy tới phường Nhật Chiêu thì bị một vệ sĩ cũ bắt được, nộp cho Giản Tu công. Ông đem giam Uy Mục ở cửa Lệ Cảnh. Ngày 1 tháng 12[6], Uy Mục vì buồn bã nên đã uống thuốc độc tự tử. Giản Tu công Lê Oanh vì căm việc Uy Mục sát hại gia quyến mình rất thảm khốc, mới sai người để xác cựu Hoàng vào miệng súng lớn, rồi cho bắn nổ tan xác.[7]

Ngày 4 tháng 12 cùng năm ấy, Giản Tu công Lê Oanh tự lập làm Hoàng đế, lấy niên hiệu là Hồng Thuận (洪順). Ông lấy ngày sinh làm Thiên Bảo thánh tiết (天保聖節), tự xưng là Nhân Hải Động chủ (仁海洞主).